Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa từ A-Z cho người mới bắt đầu (Phần 1)

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa từ A-Z cho người mới bắt đầu (Phần 1)

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa trong bài viết này là cách nhập khẩu CHÍNH NGẠCH, đầy đủ các quy trình theo luật định của các ban ngành tại Việt Nam

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa

Để nhập khẩu một lô hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam và kinh doanh thành công, bạn sẽ cần cân nhắc và thực hiện các bước như sau:

1. Nghiên cứu lựa chọn sản phẩm

2. Lựa chọn nhà cung cấp

3. Lựa chọn phương thức thanh toán, phương thức mua bán, phương tiện vận tải

4. Xử lý hợp đồng, chứng từ mua bán, làm các chứng nhận, giấy phép cho sản phẩm

5. Hàng nằm trên phương tiện vận tải quốc tế

7. Làm thủ tục hải quan, đóng thuế, nhận hàng

8. Đưa hàng về kho

Chi tiết từng bước GSK xin được hướng dẫn như sau:

1. NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN SẢN PHẨM

 

Để lựa chọn sản phẩm kinh doanh phù hợp bạn cần xác định:

a. Nhu cầu thị trường

Để bán hàng được hàng cần lựa chọn một mặt hàng mà thị trường có nhu cầu mua trong hiện tại và tương lai. Thị trường vẫn còn có sự tăng trưởng, chưa bị bão hòa

 

b. Thế mạnh của mình

Tại sao bạn nghĩ bạn có thể thành công với sản phẩm này ? Bạn có sẵn kho bãi, có sẵn hệ thống phân phối, có sẵn địa điểm kinh doanh hay có sẵn các mối quan hệ cần thiết để có thể nhanh chóng có được đầu ra khi hàng về ?

 

c. Hạn sử dụng của sản phẩm

Với mô hình kinh doanh mới, hạn sử dụng của sản phẩm nên ít nhất là 6 tháng kể từ ngày hàng về kho. Khi chưa đảm bảo được đầu ra, nên tránh nhập các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, hoa quả tươi.

Ví dụ: nhập đùi gà đông lạnh từ Trung Quốc, hạn sử dụng tính từ ngày sản xuất là 4 tháng. Thời gian hàng từ Trung Quốc về đến Việt Nam có thể gần hai tuần, bên cạnh đó do là lô hàng đầu tiên nên có thể có nhiều rắc rối về thủ tục hải  quan, thuế, kiểm dịch – trường hợp xấu có thể mất thêm 2 tuần nữa. Như vậy khi nhập kho, hạn sử dụng thực tế chỉ còn sấp sỉ 3 tháng – Rất khó khăn để chào bán được hết số lượng hàng với hạn sử dụng này, trong khi bạn chưa có sẵn khách hàng tiềm năng.

 

d. Mùa vụ

Mỗi loại sản phẩm có một mùa vụ riêng. Có thể sản phẩm đó được tiêu thụ quanh năm nhưng vẫn có một vụ mùa mà lượng tiêu thụ trên thị trường tăng cao. Ví dụ: tháng 1, gần Tết các loại hàng thực phẩm tăng mạnh tiêu thụ. Như vậy thời gian để  bắt đầu nghiên cứu nhập hàng nên là tầm tháng 6

Hãy chuẩn bị việc nhập hàng trước mùa vụ 6 tháng

– 1 tháng để học về đặc tính sản phẩm, cách sử dụng – rất quan trọng để có thể bán hàng thành công, bán hàng chuyên nghiệp hơn đối thủ cạnh tranh

– 1 tháng để đàm phán thương lượng với nhà cung cấp, nhận hàng mẫu và chuẩn bị các chứng từ, kiểm định cần có của cơ quan nhà nước để đưa sản phẩm ra thị trường

– 1 tháng dành để nhà cung cấp sản xuất hàng, đưa hàng ra cảng, vận tải, làm thủ tục hải quan và đưa hàng về kho (lô hàng đầu tiên nên hãy tính toán timeline nhiều hơn so với thời gian tiêu chuẩn)

– 3-4 tháng còn lại trước mùa vụ để tiến hành bán hàng, giao hàng và thu hồi tiền hàng, công nợ

 

e. Thuế suất

Các loại thuế có thể phải đóng khi nhập khẩu hàng hóa thường là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế bảo vệ môi trường…

Mỗi loại hàng hóa có một mức thuế suất khác nhau, để xác định được mức thuế cần xác định MÃ HS của hàng hóa. Hãy tham khảo danh bạ MÃ HS trên website của cục hải quan hoặc nhờ người khác rành về xuất nhập khẩu tra giúp. Mã HS thường chỉ nêu tính chất chung của hàng hóa chứ không chỉ rõ theo tên mặt hàng, chính vì vậy việc một mặt hàng có thể được áp 2 mã HS với thuế suất khác nhau là hoàn toàn có khả năng – bạn có quyền chọn Mã HS có thuế suất ưu đãi hơn.

 

f. Giá bán thị trường & số lượng đối thủ trên thị trường

Việc bán một sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10%, không có điểm khác biệt, trong khi thị trường đang có 20 nhà cung cấp lâu năm, nhiều tiềm lực thì mô hình kinh doanh này cầm chắc thất bại và không nên triển khai.

Việc cân đối được một giá bán ra hợp lý phụ thuộc vào các chi phí đầu vào của bạn, bao gồm các khoản:

– Tiền vốn mua hàng

– Chi phí vận tải quốc tế & nội địa

– Chi phí bảo hiểm & kho bãi, bốc xếp

– Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ, thuế thu nhập doanh nghiệp các loại thuế khác

– Chi phí văn phòng, nhân viên, phục vụ bán hàng

– Lãi vay ngân hàng

– Chi phí cơ hội

Tóm lại, cần lựa chọn một sản phẩm mà sau khi cân đối chi phí thì có thể thu được một mức lợi nhuận phù hợp, sản phẩm và giá thành phải có khả năng cạnh tranh tương đối hoặc tuyệt đối so với đối thủ.

 

2. LỰA CHỌN NHÀ CUNG CẤP

 

Nhà cung cấp của sản phẩm nên là nhà cung cấp uy tín, tức lâu năm, có lịch sử giao dịch (có thể tìm thấy một vài thông tin giao dịch cơ bản trên Alibaba, Zauba, …)

Các giao dịch thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài thường là thanh toán chuyển tiền trước 30-50%. Khi hàng đã lên tàu, máy bay & có chứng từ chứng minh, người mua sẽ thanh toán tiếp phần còn lại. Các hình thức thanh toán mang tính ràng buộc hơn như L/C thường ít được sử dụng và cũng nhiều người bán từ chối sử dụng do tốn chi phí và công sức làm việc giấy tờ với ngân hàng.

Mặc dù có hợp đồng mua bán ghi rõ các điều khoản phạt, kiện tụng nhưng nó thường không mang tính chất thực thi do người mua sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời trọng tài quốc tế, đi lại để dự phiên tòa và chi phí cực kỳ cao, nên rất nhiều trường hợp người mua đành chịu mất tiền.

Nếu có điều kiện, bạn có thể đến tận quốc gia của nhà cung cấp để tham quan, kiểm tra nhà xưởng, quy mô, gặp mặt người phụ trách…Còn nếu không có điều kiện, cách duy nhất là tham khảo thông tin về nhà cung cấp qua các nguồn thông tin online.

 

3. LỰA CHỌN PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN, PHƯƠNG THỨC MUA HÀNG, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

 

a. Phương thức thanh toán thường được sử dụng là:

– Thanh toán trước 30%-50% bằng chuyển khoản ngân hàng. Thanh toán tiếp phần còn lại khi người bán gửi bản sao/bản scan Bill of Lading (vận đơn – biên lai giao nhận hàng của hãng vận tải, chứng minh người bán đã giao hàng lên tàu)

– Thanh toán bằng L/C Tín Dụng Thư – hình thức mang tính ràng buộc và an toàn nhất trong thương mại quốc tế, ngân hàng sẽ là bên thứ ba để đảm bảo cho người bán và người mua, giao hàng mới có thể nhận tiền, và trả tiền mới có thể nhận hàng. Tuy nhiên như đã nói ở phần trên, nhiều nhà cung cấp từ chối sử dụng hình thức này do phát sinh thêm chi phí và phức tạp về chứng từ đối với ngân hàng.

– Tuyệt đối không đồng ý thanh toán trước 100% tiền hàng cho nhà cung cấp trong vài lần mua bán đầu.

 

b. Phương thức mua hàng:

Trong xuất nhập khẩu, có nhiều phương thức thanh toán như FOB, CIF, EXW, DDP… Mỗi phương thức quy định nghĩa vụ của bên mua và bên bán khác nhau. Ví dụ trong nhập khẩu hàng hóa:

FOB quy định người mua là người thuê tàu, máy bay và trả các chi phí liên quan

– CIF quy định người bán là người thuê tàu, máy bay và trả các chi phí liên quan

– EXW quy định người mua phải đến kho của người bán để nhận hàng, chở hàng ra cảng, thuê tàu, máy bay và trả toàn bộ các chi phí vận chuyển từ kho đến cảng nhập khẩu

– DDP quy định người bán phải giao hàng đến kho của người mua và trả các chi phí vận tải từ kho người bán đến kho người mua.

Việc xác định và thống nhất phương thức mua bán là quan trọng, giúp người mua và người bán hiểu rõ nghĩa vụ và công việc cần làm của mỗi bên.

Phương thức mua bán thường dùng nhất là FOB và CIF, nếu bạn không rành xuất nhập khẩu thì nên lựa chọn CIF để người bán thuê tàu và xử lý bớt một số công việc liên quan đến vận tải. Bạn chỉ việc thu xếp nhận hàng và làm thủ tục hải quan tại Việt Nam

Phương thức mua bán sẽ được ghi vào hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại và tờ khai hải quan để xác định trị giá tính thuế của hàng hóa. Một khi thay đổi phương thức mua bán, các chứng từ liên quan bắt buộc phải được điều chỉnh đồng nhất để tránh phát sinh rắc rối khi làm thủ tục hải quan.

 

c. Phương tiện vận tải

– Vận chuyển bằng tàu biển: Tiết kiệm nhất. Nếu hàng hóa đủ để xếp đầy hoặc gần đầy container, bạn có thể lựa chọn hình thức vận tải “FCL-Thuê nguyên container” để tối ưu hóa chi phí. Nếu hàng ít hơn, chỉ vài pallet, vài tấn, vài khối, bạn có thể dùng hình thức vận tải “LCL – Thuê một phần container, và đi chung container với các chủ hàng khác”. Nên lưu ý thêm về nhiệt độ bảo quản của hàng hóa để chọn container lạnh hoặc container thường – nhiệt độ bên trong container thường khi đang vận chuyển là rất cao có thể đến 60 độ C.

– Vận tải bằng máy bay: Hình thức vận chuyển đắt gấp nhiều lần tàu biển nhưng thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều lần, thường dùng cho các loại sản phẩm thực phẩm tươi, hoa quả…

Nếu chọn nhập khẩu bằng hình thức mua bán FOB, tự thuê phương tiện vận tải quốc tế, đơn vị mà bạn nên liên hệ để được tư vấn và xử lý vận tải cho lô hàng nhập là các Công ty vận tải quốc tế (còn gọi là forwarder) bạn có thể tìm kiếm trên các danh bạ online.

 

XEM TIẾP: Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa từ A-Z cho người mới bắt đầu (Phần 2)

Cám ơn bạn đã đọc bài viết Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa từ A-Z cho người mới bắt đầu của chúng tôi. Hãy chia sẽ cho bạn bè để ủng hộ nhé.

 

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa

 

 

 

 

 

 

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa

Hướng dẫn nhập khẩu hàng hóa